Muốn sang Đức thì mình cần có chứng chỉ B1 hoặc B2 , C1 thì càng tốt. Vậy thì khi làm bài thi, mình phải chú ý những yếu tố nào để có thể đỗ được kì thi như mong muốn ? Trong bài viết này Ngọc chia sẻ cho các bạn những lưu ý và cách học mình đã dùng để giúp các bạn phần nào có thể chinh phục được tiếng Đức nhé !
1. Kĩ năng nghe
Khi luyện bài thi nghe chúng ta chú ý tập thói quen gạch chân thật nhanh các ý họ muốn hỏi. Khi đang nghe bài thì " tai nghe và tay viết " những ý chính hoặc từ khoá giúp mình có thể nhớ lại đoạn đó người ta đề cập đến nội dung gì. Notice những phần quan trọng - là phần giúp mình có thể trả lời được câu hỏi.
Tóm lại là phải nghe trọng tâm tức là tóm lấy ý của bài nghe mà nó liên quan đến các nội dung được đề cập trong câu hỏi.
Ngoài việc nghe trọng tâm thì phải có cả nghe " toàn bộ " tức là phải đoán được ý toàn bộ của đoạn băng nghe đó nói gì chứ không chỉ thấy họ nhắc đến từ hoặc ý liên quan đến câu hỏi thì mới cố nghe.
Khi nghe hãy cố gắng giữ bình tĩnh, nếu có một đoạn nào đó không nghe được thì cũng đừng để nó làm phân tâm mà hãy ngay lập tức nghe đoạn tiếp theo để bắt kịp bài nghe. Phần không nghe được bạn nên dựa vào văn cảnh để đoán ý của câu.
2. Kỹ năng nói
Đầu tiên là phải chú ý đến việc phát âm và tốc độ nói, nói nhanh thì tốt nhưng nếu nói quá nhanh mà các từ không được phát âm rõ và chuẩn thì cũng không được đánh giá cao lắm. Tập phản xạ tốt và nhanh từ câu hỏi của giám thị hay câu hỏi của Ansprechpartner, không nên ậm ừ khi đang nói. Tăng cường dùng các từ nối, Redemittel hay Redewendung ( Redewendung dùng hơi khó hơn nên cần phải thực sự hiểu thì mới dùng được đúng lúc phù hợp ).
Trong buổi thảo luận nên diễn đạt ý của mình một cách sáng tạo và mở rộng phát triển ý để nói được càng nhiều càng tốt ( nhưng không bị đi lạc trọng tâm ). Phải bám vào các câu hỏi được đặt ra và đồng thời bám vào ý của người nói cùng mình để đưa ra một cuộc thảo luận có nội dung tốt.
Trong trường hợp gặp phải một người Ansprechpartner ít nói hoặc nói kém hơn thì bạn phải là người chủ động gợi ý cho họ, tránh để việc chờ người kia nói quá lâu làm mất thời gian của cả hai dẫn đến kết quả không được tốt như mong đợi.
3. Kỹ năng đọc
Đọc thì không phải là một kĩ năng quá khó so với nghe và nói nhưng mục này bạn có thể dễ bị lừa. Bạn có thể hiểu bài nhưng khi trả lời câu hỏi vẫn sai vì có thể lập luận của bạn bị khác hoặc người ta chỉ đánh lừa bạn có tí ti ở câu hỏi mà bạn không để ý. Trong bài đọc chắc chắn luôn có từ mới và lĩnh vực đọc mới nhưng nếu kĩ năng đọc và kĩ năng lập luận của bạn tốt thì những từ mới đó bạn sẽ có thể có khả năng đoán được ý chính xác khoảng 70%.
Làm bài đọc thì trước tiên cũng phải đọc câu hỏi và gạch chân ý sau đó đọc bài tìm ý. Như mình nói ở trên, đối với những câu trả lời trong phần tick đáp án sẽ rất dễ lừa bạn nên bạn phải tỉnh táo thực sự.
Để đọc tốt và nhanh thì không có cách nào khác là đọc nhiều để biết nhiều từ vựng và từ đó có thể có kĩ năng đọc tốt.
4. Kỹ năng viết
Theo mình để viết được tốt thì sẽ cần yếu tố sau:
từ vựng, lập luận, các mẫu hành văn theo chủ đề viết ví dụ: viết thư, viết bài phân tích biểu đồ hay viết bài văn xuôi ( tức là ở đây ví dụ như đề bài là phân tích biểu đồ và so sánh... thì mình sẽ biết những cách phân tích biểu đồ, hay viết thư thì mình phải biết cách trình bày thư...etc)
Để ghi điểm cho bài viết tiếng Đức, ngoài viết mạch lạc với vốn từ vựng trong bài phong phú, các bạn còn cần học thêm những cấu trúc câu phức tạp, những cụm từ đắt giá để cho người chấm bài biết bạn am hiểu rộng về tiếng Đức.
Ngoài ra thì cần phải đi đúng hướng, tức là đi đúng những vấn đề người ta cần bạn viết trong bài. Bám vào các câu hỏi các ý mà họ cần bạn viết để không đi lan man.
Thân gửi các bạn,
tiếng Đức là một ngôn ngữ rất khó học, nhưng không vì thế mà chúng mình bỏ cuộc đúng không ? Ngọc phải chia sẻ với các bạn rằng: con người Đức và nước Đức rất tuyệt, không phải vì Ngọc học tiếng Đức mà Ngọc nói như vậy mà từ khi Ngọc biết đến người Đức lúc 19 tuổi đến bây giờ là 10 năm rồi chị vẫn ấn tượng nhất bởi họ mặc dù Ngọc có làm việc và tiếp xúc với nhiều quốc gia khác ví dụ như Hàn, Anh, Mĩ, New Zealand và Úc cũng như là tìm hiểu về nhiều thứ thì Ngọc vẫn phải kết luận rằng học tập được tính chuẩn chỉ, kỉ luật, có trách nhiệm và tinh thần nhân loại của Đức thật là điều rất đáng để bỏ thời gian.
Các bạn cố gắng lên nhé ! Trước đây Ngọc cũng không nghĩ là có ngày lại " không sợ " tiếng Đức như thế đâu, có nhiều lúc cũng nản lắm nhưng mà may cũng gặp được động lực nên là cố gắng. Chính vì vậy các bạn đừng từ bỏ nha, hãy cứ giữ cho mình những động lực để cố gắng !
Chúc các bạn thành công!
Thân,